7 TRƯỜNG HỢP XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ NGUYÊN LIỆU VẬT LIỆU, CÔNG CỤ DỤNG CỤ VÀ HÀNG HÓA

Các bạn chưa biết cách xác định giá trị ghi sổ nguyên vật liệu, cộng cụ dụng cụ và hàng hóa? Hãy đọc hết bài viết này để có câu trả lời nhé.

1.Nguyên tắc xác định trị giá gốc của  nguyên liệu vật liệu, công cụ dụng cụ và hàng hóa:

–  NVL,CCDC được đánh giá theo nguyên tắc giá gốc.

– Giá gốc là giá ghi sổ kế toán gồm chi phí thu mua và các chi phí khác liên quan tại thời điểm ban đầu khi hình thành nên tài sản

2.Cách xác định trị giá của nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ và hàng hóa

Có rất nhiều trường hợp hình thành nên nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ và hàng hóa trong doanh nghiệp bạn. Tùy từng trường hợp mà cách xác định trị giá ghi sổ kế toán lại khác nhau. Sau đây Kế toán Minh Huy sẽ giới thiệu với các bạn 7 trường hợp hay gặp nhất:

2.1 Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa hình thành do mua ngoài

Căn cứ vào hóa đơn đầu vào khi mua hàng và các chứng từ liên quan kế toán ghi nhận:

Giá gốc    =    Giá mua trên hóa đơn đã trừ các khoản chiết khấu giảm giá và VAT được khấu trừ+  Các khoản thuế không được hoàn lại    +Các khoản chi phí khác có liên quan

Các khoản chiết khấu được nhắc đến ở đây là chiết khấu thương mại phát sinh khi công ty bạn mua hàng với số lượng lớn được người bán chiết khấu.

Trường hợp mua hàng bị lỗi sai quy cách phẩm chất,… do lỗi của bên bán. Bên bán đồng ý giảm một phần tiền hàng

Nếu công ty bạn kê khai tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và nhận được hóa đơn giá trị gia tăng đủ điều  kiện khấu trừ thì trị giá nhập kho của nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa sẽ không bao gồm thuế GTGT đủ điều kiện khấu trừ.

Các khoản thuế không được hoàn lại trong công thức hay gặp như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp (nếu có). Ví dụ như khi các bạn nhập khẩu một lô hàng hóa là xăng dầu thì có thể sẽ phải chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Nếu công ty bạn kê khai tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thì các loại thuế này sẽ cộng vào trị giá nhập kho của hàng hóa.

Các khoản chi phí khác có liên quan như chi phí vận chuyển, bốc xếp,… tức là các chi phí có liên quan đến việc mua nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa đưa chúng về doanh nghiệp.

2.2 Trường hợp nguyên vật liệu, hàng hóa hình thành do gia công chế biến

Trong quá trình sản xuất kinh doanh công ty bạn có thể phải đưa nguyên vật liệu và hàng hóa đi gia công chế biến. Ví dụ trong ngành sản xuất hương, người ta thu mua nguyên vật liệu là mùn cưa và gỗ vụn… Mùn cưa và gỗ vụn sẽ phải qua công đoạn gia công chế biến để nghiền nhỏ thành bột rồi mới được dùng để sản xuất thành các que hương. Trị giá nguyên vật liệu, hàng hóa nhập kho sau khi gia công chế biến sẽ được xác định như sau:

Giá gốc=Trị giá của NVL, hàng hóa xuất kho đem đi gia công chế biến+Chi phí thuế ngoài chế biến+    CP khác liên quan    

Trị giá của nguyên vật liệu, hàng hóa xuất kho đem đi gia công chế biến được tính theo một trong các phương pháp tính trị giá xuất kho: phương pháp nhập trước xuất trước, phương pháp bình quân gia quyền hoặc phương pháp giá đích danh

Chi phí thuê ngoài chế biến là chi phí các bạn phải trả cho cơ sở gia công chế biến. Nó thể hiện trên hóa đơn hoặc các chứng từ khác mà bên gia công chế biến xuất cho các bạn

Chi phí khác liên quan tức là các chi phí liên quan đến quá trình đưa nguyên vật liệu, hàng hóa đi gia công chế biến như chi phí vận chuyển đi và về, chi phí bốc dỡ,…

2.3 Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa hình thành do biếu tặng

Giá gốc=  Giá trị ước tính của hàng hóa trên thị trường hoặc giá do hội đồng nghiệm thu+Chi phí có liên quan

Đối với tài sản hình thành do biếu tặng ví dụ nhân dịp kỉ niệm 10 năm thành lập trung tâm Kế toán Minh Huy  được công ty đối tác tặng 1 cái điều hòa. Cách đơn giản nhất để xác định trị giá ghi sổ cho cái điều hòa này là các bạn lấy theo giá thị trường. Các bạn lên mạng tìm kiếm và tham khảo giá. Ưu tiên website của đối tác tặng cho công ty bạn trước nếu trên web của đối tác đó không có thông tin thì tìm trên các website khác. Khi các bạn tham khảo như vậy thì sẽ có vài mức giá khác nhau, tại cùng một thời điểm với cùng một loại hàng hóa giá có chênh lệch đôi chút cũng là điều bình thường. Các bạn dựa vào đó để xác định một mức giá làm căn cứ ghi sổ kế toán.

Chi phí có liên quan ở đây là các chi phí khác phát sinh trong quá trình đưa tài sản về doanh nghiệp như chi phí vận chuyển, bốc xếp,…

2.4 Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa hình thành do nhận góp vốn liên doanh liên kết

Khi công ty bạn nhận vốn góp liên doanh liên kết bằng nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ hay hàng hóa thì hội đồng liên doanh liên kết sẽ đánh giá lại trị giá của tài sản nhận được do góp vốn. Như vậy giá gốc của tài sản sẽ bằng giá trị đánh giá lại của hội đồng liên doanh liên kết.

2.5 Nguyên vật liệu hình thành do thu hồi phế liệu

Trong quá trình sản xuất tại công ty bạn có thể phát sinh phế liệu. Những phế liệu này không vô dụng mà có thể tái sử dụng hoặc bán đi thu được tiền. Ví dụ như trong ngành sản xuất gỗ phế liệu là mùn cưa gỗ vụn có thể bán đi để làm nguyên vật liệu cho ngành sản xuất hương, trong ngành may mặc phế liệu thu hồi là vải vụn có thể bán đi làm nguyên vật liệu cho ngành sản xuất thú nhồi bông,…

Phế liệu thu hồi có thể bán ngay hoặc nhập kho nguyên vật liệu. Khi đó giá trị của phế liệu thu hồi chính là giá trị ước tính tái sử dụng.

2.6 Nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa hình hình thành do đơn vị cấp trên cấp

Trường hợp nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng hóa hình hình thành do đơn vị cấp trên cấp thì giá trị của tài sản chính bằng giá trị ghi sổ kế toán của đơn vị cấp trên cộng với các khoản chi phí khác

2.7 Trường hợp nguyên vật liệu công cụ dụng cụ được hình thành do doanh nghiệp tự sản xuất

Ví dụ công ty bạn mua bông về dệt thành sợi rồi dùng sợi để dệt thành vải thì sợi chính là nguyên vật liệu dùng để sản xuất vải mà doanh nghiệp bạn tự sản xuất. Hay khi công ty bạn sản xuất bàn ghế và đưa 1 bộ bàn ghế vào sử dụng cho phòng giám đốc,…

Như vậy giá gốc của nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ hình thành do doanh nghiệp tự sản xuất chính là giá thành sản xuất.

Trên đây Kế toán Minh Huy vừa giới thiệu với các bạn 7 trường hợp xác định trị giá trị ghi sổ của nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ và hàng hóa. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn. Các bạn hãy coment thắc mắc của các bạn bên dưới để chúng tôi có thể trả lời nhanh nhất và hãy like, share bài viết để chia sẻ với bạn bề của bạn nhé !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

MesengerZaloCallEmail