Kế toán hành chính sự nghiệp- Khái niệm, nhiệm vụ và đối tượng áp dụng

Kế toán hành chính sự nghiệp – Khái niệm, nhiệm vụ và đối tượng áp dụng

Kế toán hành chính sự nghiệp là 1 lĩnh vực chuyên sâu với nhiệm vụ chính:

  • Quản lý tài chính liên quan đến hành chính
  • Bảo đảm tuân thủ các quy định và luật lệ
  • Tối ưu hóa chi phí và tăng cường hiệu suất trong các hoạt động hành chính

Bài viết này phân tích chi tiết Khái niệm, nhiệm vụ và đối tượng áp dụng kế toán hành chính sự nghiệp, các bạn theo dõi nhé!

1. Khái niệm đặc điểm, phân loại đơn vị hành chính sự  nghiệp

a. Khái niệm

  • Đơn vị hành chính sự nghiệp là đơn vị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập nhằm thực hiện một nhiệm vụ chuyên môn nhất định hay quản lý Nhà nước về một hoạt động nào đó
  • Hoạt động bằng nguồn kinh phí Nhà nước cấp toàn bộ hay cấp một phần, và các nguồn khác đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên theo nguyên tắc không bồi hoàn trực tiếp.
  • Các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trong các ngành Giáo dục- Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao, Sự nghiệp, Trạm trại

b. Đặc điểm

  • Hoạt động theo dự toán được cấp có thẩm quyền giao và được ngân sách Nhà nước cấp toàn bộ hay cấp một phần dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp có thẩm quyền duyệt.
  • Hàng quí, hàng năm đơn vị phải lập dự toán thu chi theo các định mức, chế độ, tiêu chuẩn do Nhà nước qui định hoặc Nhà nước cho phép thủ trưởng đơn vị được qui định một số khoản chi tiêu thường xuyên được thưc hiện theo qui chế chi tiêu nội bộ.
  • Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp trong cùng một ngành dọc được tổ chức thành đơn vị dự toán các cấp.

c. Phân loại

* Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp:

– Cơ quan quản lí nhà nước

– Các đơn vị sự nghiệp

– Các cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội

– Các cơ quan an ninh, quốc phòng.

* Căn cứ vào việc phân cấp quản lí nhân sách Nhà nước:

– Đơn vị dự toán cấp I:

  • Là đơn vị trực tiếp nhận dự toán ngân sách năm do chính quyền tương ứng giao (Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ủy ban nhân dân quận huyện..)
  • Chịu trách nhiệm phân bổ dự toán ngân sách năm của cấp mình và cấp dưới trực thuộc.
  • Ví dụ các Bộ ở trung ương, các Sở ở các tỉnh, thành phố hoặc các phòng chức năng ở các quận huyện, thị xã thuộc tỉnh…

– Đơn vị dự toán cấp II:

  • Là đơn vị trực thuộc đơn vị dự toán cấp I
  • Có nhiệm vụ nhận dự toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp I và phân bổ dự toán ngân sách cho đơn vị dự toán cấp III
  • Có trách nhiệm tổ chức, điều hành, quản lý kinh phí của cấp mình và đơn vị dự toán cấp dưới .

– Đơn vị dự toán cấp III:

  • Là đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng kinh phí nhận từ đơn vị dự toán cấp II hoặc dự toán cấp I (nếu không có cấp II)
  • Có trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý kinh phí của đơn vị mình và đơn vị dự toán cấp dưới .

– Đơn vị dự toán cấp dưới của cấp III:

  • Được nhận kinh phí để thực hiện phần công việc cụ thể
  • Khi chi tiêu phải thực hiện việc quản lý kinh phí theo sự hướng dẫn của đơn vị dự toán cấp III.

*  Căn cứ vào khả năng tự trang trải chi phí hoạt động:

– Đơn vị sự nghiệp thuần túy:

  • Là đơn vị chỉ thực hiện những nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước, đơn vị cấp trên giao.
  • Các khoản chi trong đơn vị sự nghiệp thuần túy được trang trải hoàn toàn bằng nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp phát

– Đơn vị sự nghiệp có thu:

  • Là đơn vị bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, cơ quan cấp trên giao phó, đơn vị còn tiến hành thêm hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của đơn vị nhằm tạo thêm nguồn thu, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ công nhân viên trong đơn vị.
  • Các đơn vị này có thể tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động hoặc tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên của mình.

* Căn cứ vào mối quan hệ với chủ sở hữu đơn vị sự nghiệp.

– Đơn vị sự nghiệp công lập:

  • Là những đơn vị thuộc sử hữu Nhà nước, những đơn vị này được Nhà nước cấp 100% kinh phí hoạt động hoặc một phần kinh phí hoạt động để trang trải các khoản chi của đơn vị.
  • Các vị trí lãnh đạo trong các đơn vị công lập này do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ định bổ nhiệm hay bãi nhiệm.

– Đơn vị sự nghiệp ngoài công lập:

  • Là những đơn vị do các tổ chức, cá nhân hay các các tổ chức góp vốn thành lập, chịu sự quản lí của Nhà nước.
  • Đây là những đơn vị tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động của mình.

2. Nhiệm vụ kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp

– Thu nhận, phản ánh, xử lý và tổng hợp thông tin về nguồn kinh phí được cấp, được tài trợ, được hình thành từ các nguồn khác và tình hình sử dụng các khoản kinh phí, các khoản thu tại đơn vị.

– Thực hiện đối chiếu, kiểm tra tình hình thực hiện dự toán thu, chi: tình hình chấp hành các định mức, tiêu chuẩn thu, chi; tình hình quản lý sử dụng các loại vật tư, tài sản ở đơn vị; tình hình chấp hành kỷ luật thu nộp ngân sách Nhà nước, kỷ luật thanh toán và các chế độ khác.

– Kiểm soát tình hình phân phối kinh phí cho các đơn vị cấp dưới, tình hình chấp hành dự toán thu, chi và quyết toán kinh phí của các đơn vị cấp dưới.

– Tổng hợp số liệu, lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các loại báo cáo tài chính cho các cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính theo quy định.

– Thực hiện phân tích, đánh giá công tác kế toán cũng như đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí, vốn, quỹ ở đơn vị, nhằm cải tiến nâng cao chất lượng công tác và đề xuất các ý kiến phục vụ cho lãnh đạo, điều hành hoạt động của đơn vị.

3. Đối tượng áp dụng kế toán hành chính sự nghiệp.

3.1 Kế toán Hành chính sự nghiệp:

Là công việc tổ chức hệ thống thông tin bằng số liệu để quản lý và kiểm soát nguồn kinh phí, tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí, tình hình quản lý và sử dụng các loại vật tư, tài sản công; tình hình chấp hành dự toán thu, chi và thực hiện các tiêu chuẩn, định mức thu, chi tại đơn vị.

3.2 Kế toán Hành chính sự nghiệp được áp dụng cho các loại cơ quan, tổ chức sau:

  • Cơ quan nhà nước
  • Đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp, áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành
  • Tổ chức, đơn vị khác có hoặc không sử dụng ngân sách nhà nước

Lưu ý:  Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp, nếu thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước hoặc có tiếp nhận viện trợ không hoàn lại của nước ngoài hoặc có nguồn phí được khấu trừ, để lại thì phải lập báo cáo quyết toán quy định tại Phụ lục 04 của Thông tư 107/2017/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ TC ban hành ngày 10/10/2017.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon