Nguyên tắc kế toán giá gốc

Nguyên tắc kế toán giá gốc

Là 1 trong 7 nguyên tắc kế toán mà chúng ta thường xuyên áp dụng, bài viết này chia với bạn nội dung:

1. Nội dung nguyên tắc kế toán giá gốc

Giá trị tài sản được ghi nhận theo nguyên tắc giá gốc. Giá gốc tài sản được tính theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả hoặc tính theo giá trị hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.

Nếu đền bù một tài sản là tiền mặt thì chi phí được đánh giá theo số tiền mặt chi ra để có được tài sản hoặc dịch vụ đó. Nếu vật đền bù cho một tài sản hoặc dịch vụ không phải là tiền mặt (tài sản khác, tài trợ,…) thì chi phí được đánh giá  theo giá trị tiền mặt tươg đương giá trị thị trường của vật trao đổi hoặc vật được nhận

Nguyên tắc giá gốc được quy định trên nền tảng của nguyên tắc hoạt động liên tục. Với giả định doanh  nghiệp hoạt động liên tục, nên trên báo cáo tài chính giá trị các chỉ tiêu về tài sản công nợ, chi phí,… được phản ánh theo giá ở thời điểm mua tài sản đó, không phải giá trị tại thời điểm xác định giá tài sản tính theo giá thị trường.

Video chia sẻ nội dung nguyên tắc kế toán giá gốc

2. Nguyên tắc kế toán giá gốc biểu hiện trong chuẩn mực Kế toán

2.1 Nguyên tắc kế toán biểu hiện trong VAS02: Chuẩn mực kế toán hàng tồn kho

Chuẩn mực này áp dụng cho kế toán hàng tồn kho theo nguyên tắc giá gốc. Hàng tồn kho được tính theo giá gốc. Trường hợp giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn giá gốc thì phải tính theo giá trị thuần có thể thực hiện được.

2.2 Nguyên tắc kế toán biểu hiện trong Trong VAS03: Tài sản cố định hữu hình

Nguyên giá TSCĐ hữu hình: Là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được TSCĐ hữu hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

2.3 Nguyên tắc kế toán biểu hiện trong VAS04: TSCĐ vô hình

Nguyên giá: Là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được TSCĐ vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự tính.

2.4 Nguyên tắc kế toán biểu hiện trong VAS05: BĐS đầu tư

Nguyên giá bất động sản đầu tư : Là toàn bộ các chi phí bằng tiền hoặc tương đương tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra hoặc giá trị hợp lý của các khoản đưa ra để trao đổi nhằm có được bất động sản đầu tư tính đến thời điểm mua hoặc xây dựng hoàn thành bất động sản đầu tư đó.

2.5 Nguyên tắc kế toán biểu hiện trong VAS06: Thuê tài sản

Bên thuê ghi nhận tài sản thuê tài chính là tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán với cùng một giá trị bằng với giá trị hợp lý của tài sản thuê tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản. Nếu giá trị hợp lý của tài sản thuê cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản thì ghi theo giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu. Tỷ lệ chiết khấu để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản là lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê tài sản hoặc lãi suất ghi trong hợp đồng.

Trường hợp không thể xác định được lãi suất ngầm định trong hợp đồng thuê thì sử dụng lãi suất biên đi vay của bên thuê tài sản để tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu.

3. Kết luận

Trên đây là một số phân tích của cá nhân tôi về nguyên tắc kế toán giá gốc. Qua bài viết hi vọng mọi người có thể hiểu rõ hơn và vận dụng tốt hơn nguyên tắc kế toán giá gốc trong học tập, giảng dạy và thực tế công tác kế toán tại doanh nghiệp mình.

Tài liệu tham khảo: Thông tư 200/2014/TT-BTC, Thông tư 133/2016/TT-BTC, Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, Giáo trình Nguyên lý kế toán Trường đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội, Giáo trình Nguyên lý kế toán Trường Đại học Thương mại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

zalo-icon
facebook-icon
phone-icon